LỜI BÌNH CHO TẬP THƠ “MỘNG” - Tô Hoàng Nam

Post Top Ad

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

LỜI BÌNH CHO TẬP THƠ “MỘNG”

Tôi cũng là người đam mê thơ Đường luật, nhưng thơ thuận nghịch thì tôi chưa có một bài nào cả. 
Trong khoảng hơn 200 năm từ năm 1720 - 1970,ở nước ta chỉ mới có khoảng 18 hoặc 19 bài thơ thuận nghịch được lưu truyền. 
Từ những năm 2000 trở lại đây, đã có nhiều tác phẩm thuận nghịch hơn,phong phú hơn bao gồm cả thơ song thất lục bát, thơ lục bát… 

Người đáng nhắc tới nhất hiện nay là hai tác giả KLG Phạm Đan Quế (TP.HCM 79 tuổi) và TS. Đặng  Văn Phú (TP.Hà Nội 74 tuổi). Đây là hai tác giả có nhiều thơ thuận nghịch độc và bài thơ có nhiều cách  đọc nhất. Mỗi người có trên dưới 100 bài thơ viết theo lối thơ thuận nghịch. Họ là các lão sư có thâm  niên nghiên cứu lâu dài đáng để chúng ta noi gương theo và học hỏi cách dùng từ, vận ý tài tình trong thể  thơ này. 

Phù Thủy Jin To! Anh là ai? Đọc xong cái tên tôi cũng đã có cảm giác có điều gì lạ lạ, độc và có điều gì  đó hơi hơi bị mê hoặc một chút. Qua tìm hiểu tôi đã kiểm  chứng,  nhắc  tới  tên  anh,  trên  facebook  rất nhiều người đam mê thơ ca biết tới, bởi cái tài viết  thơ Đường luật, hơn nữa là thơ Đường luật thuận nghịch. Một thể loại khó, lạ, độc đáo và cũng là một  thể thơ chơi chữ học của thi nhân thời người xưa. 

Tuy anh mới vừa tròn 30 tuổi, nhưng điều thật sự khiến tôi bất ngờ đó là  “Anh cũng là một tác giả có thể  nói là nhiều thơ thuận nghịch Đường luật nhất nhì ở tại thời điểm này”, vừa là thi sĩ trẻ tuổi nhất trong những nhà thơ viết thơ Đường luật. Số lượng thơ Đường luật thuận nghịch của anh đã có trên một trăm bài,  đa chủng loại bao gồm thất ngôn bát cú đường luật thuận nghịch, thất ngôn tứ tuyệt thuận nghịch. 

Cái tài trong thơ của anh cũng khiến cho độc giả đọc và ngẫm nghĩ thật lâu mới hiểu được hết dụng ý,  ẩn ý trong bài. Mới đọc cảm giác ý tứ, ngôn từ nhẹ nhàng mượt mà, mềm mại. Nhưng càng đọc càng  thấy sự lắng đọng sâu sắc cách dùng từ trong câu mà  anh đã dụng tâm vào…  Một tác giả trẻ viết thơ Đường luật thuận nghịch  đầy triển vọng trong làng thi thơ Việt Nam. Cách  gieo vần nhả ý của anh đọc mượt mà, khiến người  đọc có cảm giác không phải là thơ thuận nghịch, bởi  vì nó quá trơn tru và tự nhiên.  Thơ anh miêu tả rất nhiều khía cạnh, tâm tư,  tình cảm, lãng mạn có, sầu tủi có.

Đa phần là tình yêu  lứa đôi, sầu vương thương nhớ.

  “Lang tình nhớ hẹn đợi sau mành 

Nguyện ước chung đời cặp yến oanh” 

Đó là hai câu đầu tiên trong bài “Mộng má phấn”,  cảm giác gợi cho người đọc một cặp Yến Oanh hẹn  ước đợi gặp nhau, nhẹ nhàng lãng mạn, ví như trai  anh hùng, gái thuyền quyên…

Người quân tử trọng  tình vẫn nhớ hẹn với người con gái mình thương yêu,  hàng ngày vẫn đợi sau tấm mành,cảm nhận nhân  tình thế thái…  Đó là đọc xuôi, còn đọc ngược lại:

“Oanh yến cặp đời chung ước nguyện 

Mành sau đợi hẹn nhớ tình lang” 

Cái hay trong bài này, đọc xuôi là người quân tử  đợi má phấn, nhưng đọc ngược lại thì lại là hồng  nhan đợi tình lang của mình quay về. Thật sự khiến  tôi  rất  khâm  phục,  ý  thơ  rõ  ràng,  tứ  thơ  tường  minh… quả nhiên vượt xa sự mong đợi của độc giả.  Tập thơ “Mộng” gồm 56 bài thơ Đường luật thuận  nghịch, một con số đáng nể phục cho một tập thơ  xuất bản. Thơ Đường luật đã khó, thơ Đường luật  thuận nghịch càng khó gấp bội.

Phù Thủy Jin Tô lại  là một tác giả còn rất trẻ tuổi, tôi không đặt nhiều  niềm tin lắm vào anh mãi tới khi tôi chính thức cầm  trên tay tập bản thảo này và cảm nhận nó.  Tình yêu thơ ca của anh còn khắc họa rất rõ nét  trong từng bài, tình yêu quê hương đất nước, mùa  xuân cây cối đâm chồi nảy lộc.

Ví như bài “Xuân và  Em” anh có viết: 

“Hường môi quyện tỏa cánh mai hồng 

Đượm nét xuân ngời nắng ửng đông”.

 Chao ôi! đọc bài này tôi cảm giác thấy thật nhẹ  nhàng, khắc họa rõ nét sinh động như một thiếu nữ  đang cười bên những nhành mai hồng đang khoe sắc.  Mùa xuân, người ta hay nhắc tới Mai Vàng, quyện  hòa trong nắng, ở đây anh lại miêu tả “mai hồng quyện  với nàn môi hường của thiếu nữ” đúng là sự độc đáo  mới lạ, tuy mới lạ nhưng lại không mất đi sự đằm  thắm, nồng nàn của mùa xuân. Thêm vào đó gợi cho  người đọc cảm giác nó còn đậm nét hơn khi miêu tả  Mai vàng sắc Xuân. 

Trong bài “Xuân Về Quê Tôi”anh lại miêu tả mùa  Xuân, nhưng là miêu tả khía cạnh khác, mời chào  đằm thắm nghĩa tình.

 “Vang mùa trống thúc người xuôi ngược 

Tiếp rượu hiên chào khách lại qua.” 

Trong hai câu này, đọc xuôi thì là anh đóng vai trò  chủ nhà tiếp rượu khách khứa, rồi có những vị khách  qua lại chủ nhà mời chào rượu, đọc ngược lại thì  khách qua nhà chào rồi chủ nhà đang tiếp rượu…rất  thú vị…

“Vang mùa trống thúc người xuôi ngược”.

Đọc  chiều thuận thì cho ta cái hình dung, tiếng trống  vang đang thúc giục người mau mau về để dự hội  làng. Đọc ngược thì lại là người đi ngược đi xuôi dong  trống thúc để chào hội đang về…  Dù đọc thuận hay ngược, câu từ luôn tự nhiên,giàu âm điệu, giàu hình ảnh, như gợi cho ta ngay  trước mắt cảnh hội chẩy đầy làng xóm nghĩa quê… 

Quá hoàn hảo và tuyệt vời cho một bài thơ…  Theo tôi biết đây cũng là bài thơ có nhiều cách  tách đọc bài nhất hiện nay nằm trong chùm thơ gồm  3 bài anh đề xuất kỷ lục Vietkings. 

Trong hai câu này có “sử dụng phép đối rất chuẩn.”  Làm cho người đọc thấy lâng lâng, nhẹ nhàng và rõ  nghĩa. 

“Qua lại khách chào hiên rượu tiếp

 Ngược xuôi người thúc trống mùa vang.” 

Quá tuyệt phải không các bạn? Riêng tôi đang  cảm giác tràn trề tình xóm nghĩa làng,mùa xuân đầy  ăm ắp những yêu thương.

 Đó là với mùa Xuân, còn  với mùa Thu, anh lại miêu tả sự khác biệt rất lớn,  trong sự tài hoa vẽ tô bằng ngòi bút sắc sảo của mình. 

Ví như trong bài “Đêm Thu” 

“Mềm vai ướt đợi người hiên ngóng 

Thốc gió đầy chờ lối cỏ giăng” 

Cảm giác Thu mà buồn hiu hắt, khi có mưa,  ngóng ngoài hiên, gió thốc vào mặt… Gợi cho con  người ta cảm giác lạnh, thiếu thốn, thu buồn nhưng  quyến rũ. 

Trong bài“Đỉnh Thiên Sơn”, anh khắc họa, vẽ nên  khung cảnh tuyệt vời, như chốn tiên ngay trước mắt  độc giả. 

“Chiều bóng thoảng trôi nhẹ tóc mây 

Rạng ngời soi tỏa ánh dương đầy 

Rêu xanh lá ngập tràn sơn đỉnh 

Động bích khe reo gọi tháng ngày” 

Có rêu phủ đỉnh núi, có động bích, khe chảy róc  rách… thì có khác gì cảnh thần tiên, thêm nữa anh  khắc họa “Rạng ngời soi tỏa ánh dương đầy”… Quá  tuyệt vời cho cảnh vật anh khắc họa nên. Gợi cảnh  ánh sáng soi chiếu luôn đầy. Tôi thấy thật sự khâm  phục ngòi bút trẻ tài hoa này.

 “Kiều diễm nét tô viền chấm mải

 Sáng bừng tâm điểm dõi mê say 

Tiêu ngâm dạo khúc hòa êm dịu 

Chiều bóng thoảng trôi nhẹ tóc mây” 

Vẻ đẹp kiều diễm cộng thêm một vài đường viền,  chấm phá, trong bài thơ này tác giả vừa là nhà thơ,  vừa là một họa sĩ tài hoa… đang mải mê ngắm dõi  định tâm để phác họa lại cảnh. 

Mùa Đông anh lại khắc họa thế này trong bài  “Bến Đợi Thu Tàn”. 

“Chan chứa ước thề thuyền gửi mộng 

Gần neo đậu nhé kịp về đông” 

Cảm giác thật sự tuyệt vời, hai câu này tôi không  thể nào dùng ngòi bút của tôi mà miêu tả được sự  tuyệt hảo này được. Lời tâm tình, gửi ước mộng nhờ  con thuyền chở đi đến nơi phương xa, đến nơi có người  yêu  thương  của  mình,  gần  neo  để  kịp  về  đông,đừng để bị nhỡ. Để xây đắp ước nguyện tràn  đầy, khi đọc ngược lại “lại là lời nhắn gửi mùa đông về  kịp”…. 

Trong thơ anh, tôi đọc bị cuốn hút quá trời luôn,  cảnh vật được anh miêu tả, nhân hóa nên, ẩn dụ như  con người, sinh động rõ nét. Tôi tự hỏi, trước đây có  nhiều người nói, thơ thuận nghịch là loại thơ hồi văn,  viết có mấy ai đọc mượt mà, tả tình tả cảnh đạt đâu…  Ấy vậy mà, anh ấy còn quá trẻ mà lại miêu tả lắng  đọng, sâu sắc tới vậy. Hơn nữa, còn là thơ thuận  nghịch Đường luật, phép đối anh dùng rất chuẩn mà  không mất đi tứ thơ, ý thơ, không gò bó khuôn khổ…  Đúng là sự tài hoa không chỉ nói hết thành lời được.

 Trong bài “Mong hè về”anh có viết:

 “Nồng đượm nắng xưa nghĩa trọn về 

Thắm tình ân cũ nón nghiêng che”

 Đúng là một con người tài hoa, một con người  hiếu thảo, cách miêu tả của anh xen kẽ lẫn nhau, tạo  ra sự đột phá mới mẻ. Mà qua đó, có lẽ tạo nên sự  mượt mà, mà các nhà thơ đi trước không miêu tả  được chăng?  Và tôi tin rằng, tác phẩm này đến với tay độc giả,  sẽ lôi cuốn và tạo ra một cơn gió lạ trong làng thơ  Việt Nam… Một trong những tập thơ Đường luật  thuận nghịch đúng nghĩa nhất từ trước tới nay. 

Tôi sẽ dõi theo anh như một độc giả chính thức,  thật sự khâm phục với sự tài hoa, miêu tả phóng  khoáng, thanh thoát của anh.

Tôi cũng tin rằng, thể  thơ này trong tương lai, sẽ rất nhiều người biết và  theo đuổi hơn.  Mỗi bài đều có thể đọc và tách thành thơ ngũ  ngôn, tứ tuyệt được. Và tôi còn được biết, ứng với  mỗi bài “thất ngôn bát cú” anh viết có trên 10 cách  đọc tách. Ngoại trừ 3 bài thơ “Sen Trắng, Thu Đợi,  Xuân về Quê tôi” ứng với mỗi bài có trên “5 nghìn  cách đọc tách và là chùm thơ đề xuất kỷ lụcTTSKL:  Vietkings hiện nay.”

Tôi cũng mong rằng chùm thơ  anh đề xuất sẽ sớm có tin vui! Và tôi cũng mong anh  sẽ xác lập được kỷ lục và cống hiến hơn nữa cho thi  ca nước nhà.  Tôi xin chân thành cảm ơn tác giả đã cho tôi có  cái nhìn khác, toàn diện hơn về thể thơ tuyệt vời này. 

Xin chúc anh sức khỏe và thành công trong niềm  đam mê này!  



 Nguyễn Quang Vinh 

Hội Viên CLB Thơ Đường Hải Phòng 

Ngày 26 tháng 9 năm 2014   

Không có nhận xét nào:

Post Top Ad